Nhận cọc giúp khách, môi giới dính cú lừa hoàn hảo từ khách hàng, phải đi đền cọc
Trong câu chuyện đầu tư bất động sản, người ta thường nhắc đến những chiêu trò của môi giới khi hành nghề và đối tượng được đặt vào vai yếu thế hơn là khách hàng.
Thế nhưng, thực tế, ngay chính trong cuộc chơi mua bán tài sản có giá trị cao, môi giới lại luôn phải đối mặt với rất nhiều cạm bẫy từ phía khách hàng. Nếu thiếu tỉnh táo và cẩn trọng, họ dễ rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
Anh N.P, một nhà đầu tư đến từ Đà Nẵng đã chia sẻ lại 3 câu chuyện về cạm bẫy từ phía khách hàng mà khi còn làm môi giới, anh từng phải trải qua.
Câu chuyện thứ 1
“Năm 2009, tôi được một khách hàng ở Nghệ An gửi đặt cọc tiền lô đất tại Sơn Trà với vị trí gần đường chính. Ngày đó, không có banking nên việc chuyển tiền không thuận tiện như bây giờ. Khi nhận được tiền cọc 100 triệu đồng, thì sau 5 giờ chiều, tôi chưa thể chuyển tiền cho chủ đất. Tôi làm một hợp đồng đặt cọc cho khách.
Số tiền 100 triệu đồng khi ấy rất lớn. Tôi vừa mới ra trường, kiếm được vài triệu đồng cũng đã thấy to. Cả tối hôm đó, tôi không ngủ được vì cầm số tiền lớn, lại chưa chuyển được cho chủ đất. Nhưng vấn đề xảy ra, đó là một lô đất không phải do một mình tôi bán và rất nhiều môi giới cùng bán. Khi thấy tôi bán được hàng, các đối tượng môi giới khác báo lại rằng tôi đã ăn chênh tới 200 triệu đồng. Thế là sáng hôm sau, chủ đất báo sẽ không nhận tiền cọc của tôi. Điều đó có nghĩa tôi phải bù thêm 100 triệu đồng cho khách.
Thú thực, thời ấy, tôi không có tiền. Đến tiền ăn còn phải nợ thì lấy đâu ra 100 triệu đồng để bù cọc cho khách. Sau đó, tôi phải nói chuyện với chú khách và chia sẻ thật: “Chú cầm lại tiền giúp vì cháu không có tiền bù cọc”. May mắn chú khách đồng ý không bắt cọc tiền”.
Câu chuyện thứ 2
Một tình huống thứ hai mà anh P. chia sẻ. Đó là năm 2010, anh P, có khách quen muốn mua căn hộ tại dự án của Hoàng Anh Gia Lai. Theo anh kể, đây là vị khách VIP đến từ Hà Nội.
“Vị khách này muốn mua một căn hộ chung cư 1,2 tỷ cho bạn gái. Lúc tôi gặp mặt nói chuyện, vị khách chia sẻ biết rất nhiều khách VIP. Họ cũng thể hiện độ “vip” bằng cách ở khách sạn xịn, đi mua sắm, đi bar. Sau khi đi xem căn hộ, họ chỉ tham khảo qua loa. Khi tôi đưa ra giá, họ không đàm phán hay thương lượng mà hẹn thứ 2 đặt cọc và công chứng luôn. Một giao dịch rất nhanh, gọn và lẹ.
Tuy nhiên, đến chiều chủ nhật, tức trước buổi lịch đặt cọc, vị khách có gọi cho tôi hỏi mượn vài chục triệu vì họ nói đã sử dụng hết tiền mặt. Nếu bán được căn 1,2 tỷ, số tiền mà môi giới kiếm được khá tốt, chênh từ 100-200 triệu đồng. So với số tiền cho mượn vài chục triệu, khi hợp đồng thành công thì đối với môi giới như tôi, đó là số tiền lớn.
Nhưng lúc đó, tôi xin khất để suy nghĩ tới hôm sau. Tôi xâu chuỗi lại câu chuyện, tại sao một người mới gặp lại đi vay như vậy? Thứ hai, họ là người Hà Nội nhưng sao lại mua nhiều đồ như vậy ở Đà Nẵng. Họ nói quen nhiều người VIP, sao lại không mượn nhóm người này. Vậy là sáng hôm sau, tôi thông báo lại cho khách là không có đủ tiền để hỗ trợ.
Sau đó, tôi có gọi lại vào số điện thoại cũ của vị khách này hỏi thăm tình hình nhưng không nhận được phản hồi.
Đây là trường hợp mà thực tế một số môi giới mới vào nghề đều có thể gặp phải. Bạn tôi cũng bị mượn tiền như vậy và cuối cùng thành mất trắng”.
Câu chuyện thứ 3
Câu chuyện thứ 3 mà nhà đầu tư này chia sẻ là tình huống thường xuyên xảy ra trong các đợt sốt đất. Đó là nhận cọc hộ.
“Có một lần, hồi sốt đất, chủ đất ở Hà Nội gọi cho tôi báo: “Em cứ nhận cọc cho anh 20 triệu đồng, gọi là tiền vé máy bay đi vào”. Sau đó, có vị khách khác gọi điện và đặt cọc đúng lô đất được giao. Nhưng họ yêu cầu muốn đặt cọc tới số tiền 200 triệu đồng. Khi tôi nhận số tiền cọc 200 triệu đồng từ vị khách này thì chủ đất lại thông báo: “Nhiều người gọi điện quá, nên anh ngưng bán, giữ lại đất”. Trong trường hợp này, khi môi giới nhận cọc mà chủ đất không bán thì phải bù gấp đôi”.
Nhà đầu tư này cho biết, thực tế, môi giới gặp phải trường hợp này rất nhiều, có thể người mua – người bán cùng một đội nhóm tạo ra tình huống mua – bán giả. Nếu không tỉnh táo, môi giới sẽ phải chấp nhận đền cọc. Trên thị trường, trường hợp mua, nhận cọc hộ, nhất là vào giai đoạn sốt đất, rất nhiều anh em môi giới đã phải đi đền cọc.
Rút kinh nghiệm
Rút kinh nghiệm về những cạm bẫy mà môi giới có thể gặp phải, anh P. cho rằng, trong bất kỳ trường hợp liên quan nhận cọc tiền, môi giới cần thẳng thắn xác nhận với bên mua, bên bán về việc, môi giới chỉ là cầu nối trung gian, đảm bảo số tiền chuyển đúng đến tay người bán. Còn phí phạt liên quan đến cọc, môi giới nên đưa số điện thoại để người mua, người bán trao đổi, thỏa thuận với nhau, tránh trường hợp bị đền cọc oan”.
Tham khảo: https://cafef.vn/nhan-coc-giup-khach-moi-gioi-dinh-cu-lua-hoan-hao-tu-khach-hang-phai-di-den-coc-20210826162356594.chn