Một chuyên gia bóc mẽ cách tạo “sóng” bất động sản đầu năm nay (2024)
(Dân trí) – Theo chuyên gia, đợt “sóng” bất động sản đầu năm nay diễn ra trong phạm vi nhỏ, thời gian ngắn và với các sản phẩm nhà cũ.
Ngay từ sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản Hà Nội đón đợt “sóng”. Căn hộ chung cư là phân khúc dẫn đầu đợt “sóng” này khi giá bán và giao dịch liên tục tăng.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, thị trường căn hộ thứ cấp ở Hà Nội sôi nổi với hoạt động mua bán, chuyển nhượng căn hộ. Nhiều dự án chung cư đều ghi nhận mức tăng giá căn hộ trung bình 200-500 triệu đồng/căn so với cuối năm 2023.
Tương tự, phân khúc đất nền tại thị trường Hà Nội cũng chuyển biến đầy tích cực khi giá căn hộ tăng nhanh. Giá nhà trong ngõ hay thị trường đất nền ven đô cũng có dấu hiệu ấm hơn, giá rao bán cũng tăng từ 5-10% so với cuối năm 2023.
Báo cáo thị trường bất động sản tháng 2 của một kênh thông tin bất động sản cho thấy, mức độ quan tâm trên cả hai thị trường mua bán và cho thuê tăng trưởng hai con số trong 2 tháng đầu năm. Với thị trường mua bán, mức độ quan tâm tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tín hiệu tích cực trên cho thấy nhà đầu tư đang dần quay lại với thị trường.
Nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, lãi suất giảm mạnh khiến nhiều kênh đầu tư, trong đó có bất động sản lọt vào “tầm ngắm” của nhà đầu tư.
Mối quan tâm của người tìm kiếm ở thị trường bất động sản Hà Nội gần đây vẫn tập trung lớn ở phân khúc ở thực – phân khúc vẫn đang ghi nhận chiều hướng đi lên của nhu cầu và giá cả trên hai thị trường mua bán và cho thuê nhờ lực cầu hiện hữu và gia tăng.
Bên cạnh đó, với các phân khúc mang tính chất đầu tư, hành vi mua bán, đầu tư của người tiêu dùng xoay quanh các nhóm yếu tố để quyết định “xuống” tiền như: giá và khả năng sinh lời, pháp lý và chủ đầu tư, vị trí và cơ sở hạ tầng và tâm lý thị trường.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Minh, khi Ngân hàng Nhà nước có chính sách hạ lãi suất trong thời gian dài, số tiền của người dân và doanh nghiệp gửi trong ngân hàng sẽ có hướng “chảy” ra ngoài.
Các kênh hứng được dòng tiền rẻ này có thể là sản xuất kinh doanh, đầu tư xuất nhập khẩu hay chứng khoán và một phần vào bất động sản. “Dòng tiền rẻ này làm cho thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường Hà Nội tăng nhanh”, ông Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông, đợt “sóng” bất động sản này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn. Trong vòng nửa năm, bất động sản tăng 30-50%, đặc biệt là chung cư cũ, nhà trong ngõ. Bởi so với giá mở bán tại các dự án chung cư, dự án thấp tầng mới đang rất cao.
“Dân đầu cơ họ thích đẩy tiền vào những dự án cũ. Thực tế, chung cư cũ có giá tăng mạnh, vì giá bán của dự án này trước đó là thấp”, ông chia sẻ.
Nhận định về đợt “sóng” bất động sản tại Hà Nội lần này, ông cho rằng, đợt “sóng” này có giai đoạn ngắn và chưa lan ra các vùng khác. Do đó, nhiều người nhiều người sẽ chưa cảm nhận được thì “sóng” đã hết.
Cũng theo ông Minh, đợt “sóng” bất động sản hiện nay ngắn hơn và khác so với “sóng” thời gian năm 2019-2021. Bởi “sóng” bất động sản trước đó là quá trình tích lũy của người dân, sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Theo ông, công thức chung của việc tạo “sóng” bất động sản lần này vẫn xuất phát từ dân đầu cơ (người có số lượng tiền lớn, hoặc các sàn môi giới lớn). “Sóng” này diễn ra trong một phạm vi nhỏ, nhóm người nhỏ.
Ông lấy ví dụ trong thị trường có 100 bất động sản, dân đầu cơ sẽ mua đi, bán lại khoảng 20-30 căn để tạo thanh khoản, lập tức giá sẽ tăng. Nguồn tiền vào, đánh động được thị trường, thì những người nắm giữ bất động sản, thấy giá tăng từng ngày sẽ sợ không bán. Khi tạo được tiếng vang, nhà đầu cơ sẽ thu hút được những người bên ngoài “nhảy” vào thị trường.
“Hiện nay, tâm lý của người có tiền gửi ngân hàng đang rất dao động bởi lãi suất thấp trong thời gian dài thì lập tức xuống tiền. Lúc này dân đầu cơ họ sẽ bán luôn và thu lãi. Sau đó, nhà đầu cơ chỉ giữ phần lãi và tiếp tục đưa tiền đi tìm thị trường mới, vùng trũng giá mới có thể thu hút được nhà đầu cơ khác”, ông Minh phân tích.