Khi đất sốt rần rần trên mặt báo là lúc nhà đầu tư nên dè chừng “ôm bom”
Thị trường nhà đất tăng giá chóng mặt và liên tục được cập nhật trên các phương tiện truyền thông báo đài là một “tín hiệu” nhà đầu tư cần chú ý bởi có thể thị trường đang lên đỉnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 trong hai năm vừa qua, giá bất động sản liên tục lập đỉnh, thậm chí sốt đất cục bộ ở một vài khu vực. Giá nhà đất không ngừng leo thang từ thành thị sầm uất đến nông thôn heo hút.
Có nhiều nguyên nhân nhà đất tăng giá được các nhà đầu tư, chuyên gia bất động sản đưa ra như dòng tiền từ các lĩnh vực kinh doanh khác đang đổ vào bất động sản do gặp khó khăn bởi dịch bệnh, nguồn cung trên thị trường khan hiếm, mối lo lạm phát sắp tới, lãi suất ngân hàng thấp nên người dân rút tiền để đầu tư bất động sản…
Bên cạnh đó, tâm lý đầu tư đám đông, những cú sốc kiểu đấu giá đất ở Thủ Thiêm…cũng tác động không nhỏ đến mặt bằng giá của thị trường.
Theo khảo sát giá đất khu vực quanh Thủ Thiêm ở TP. Thủ Đức đang có mức tăng giá đáng kể sau cuộc đấu giá đất. Cụ thể, giá đất trên một tuyến đường lớn nằm gần UBND TP. Thủ Đức đã đã cán mốc 500 triệu đồng/m2 chỉ trong vài tuần qua (mức tăng khoảng 80 – 100 triệu đồng/m2).
Không chỉ ở thành phố, giá nhà đất các thị trường lân cận như Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Đức Hòa (Long An), Thuận An và Dĩ An (Bình Dương)…cũng đang tăng mạnh.
Ở những khu vực xa hơn như Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông… đất đai cũng đang tăng ở mức khó hiểu. Một nhà đầu tư cho biết, một miếng đất tại huyện Bù Đăng, Bình Phước được mua với giá 30 triệu đồng một mét ngang chưa đầy 1 tháng đã có người tới hỏi trả giá gấp đôi.
Anh Thuận, một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm chia sẻ, trong hai năm qua có những khu vực ở Lâm Đồng giá đất đã tăng mấy chục lần chỉ trong thời gian ngắn. Dù thị trường vẫn chỉ dựa vào thông tin chưa có cơ sở về đề xuất làm đại đô thị của các doanh nghiệp lớn hoặc ăn theo tiến độ triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Nhiều khu vực khác ở Bình Thuận giá bán cũng tăng mạnh nhờ lực đẩy của tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và sân bay Phan Thiết.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này cho biết có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường. Đó là giá đất tăng nhanh nhưng lại không nhiều người mua. Hay nói đúng hơn không có tiền để mua. Nguyên nhân là do nguồn lực của nhiều nhà đàu tư đang nằm trong bất động sản họ đã mua trong hai năm qua. Mức giá tăng cao nhưng họ không dễ tìm được người mua để ra hàng. Phần lớn các giao dịch hiện nay chủ yếu là “lướt cọc” do đội ngũ môi giới, đầu cơ ngắn hạn.
Với kinh nghiệm của mình, anh Thuận cho rằng thị trường bất động sản đang có mức tăng giá bất thường. Đặc biệt, khi giá đất sốt nóng xuất hiện từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn được cập nhật liên tục trên báo chí là thời điểm rất đáng dè chừng. Thông thường đây chính là đỉnh của sóng. Sốt đất và hiệu ứng truyền thông thể hiện mong muốn thoát hàng của nhóm đầu tư trước khi “gặp họa “.
Theo anh Thuận, dù thị trường diễn biến như thế nào vẫn có cơ hội của người này và rủi ro cho người khác. Thị trường hiện nay sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm để mua vào những bất động sản ưng ý. Nhưng nó sẽ là nguy cơ cho những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, đang ôm quá nhiều bất động sản bằng đòn bẩy tài chính quá lớn…
Theo nhà đầu tư này, có nhiều cách để xem giá đất của một khu vực đó tăng thật hay sốt ảo. Trong đó, dựa vào kinh nghiệm và đối chiếu mức giá của khu vực cách đó vài tháng so với bây giờ là một cách. Nếu chỉ trong thời gian ngắn mà giá đất tăng mấy lần, thậm chí cả chục lần trong khi khu vực không có chuyển biến gì về hạ tầng hay những thông tin có cơ sở về quy hoạch mới, dự án có tính “đòn bẩy”…thì chắc chắn là sốt ảo. Nếu mua vào lúc này thì xác định luôn là “ôm bom”.
Tham khảo: https://cafeland.vn/tin-tuc/khi-dat-sot-ran-ran-tren-mat-bao-la-luc-nha-dau-tu-nen-de-chung-om-bom-105878.html