Giới đầu tư địa ốc khát tiền mặt giữa dịch lần 4
TP HCMGần 4 tháng nay, anh Minh, ngụ tại TP Thủ Đức đã xả hàng tổng cộng 3 nền đất vùng ven để thu hồi vốn, phòng thủ tiền mặt.
Nội dung chính trong bài
Tâm lý thu hồi tiền mặt giai đoạn dịch
Có thâm niên buôn nhà đất từ năm 2006 đến nay, từng trải qua các đợt bất động sản nóng sốt cũng như đóng băng, anh Minh cho biết, chứng kiến không ít nhà đầu tư rủng rỉnh tài sản nhưng đói vốn khi thị trường trầm lắng, nên đã tranh thủ xả hàng từ đầu đợt dịch lần thứ tư. Từ cuối tháng 4 đầu tháng 5, anh Minh đã bán 2 nền đất tại Đồng Nai và một nền đất tại Bình Dương, trong đó có 2 giao dịch chấp nhận bị ép giá 10% để thu hồi tiền mặt.
“Tôi còn một căn hộ cho thuê bị bỏ trống 8 tháng qua cũng đang rao bán nhưng chưa có khách hỏi mua, mỗi tháng lãi vay và nợ gốc của căn chung cư khoảng 20 triệu đồng. Nhờ có tiền mặt từ bán đất nên tôi đã tất toán khoản vay, giải ỏa áp lực nợ ngân hàng“, anh Minh nói.
Nhà đầu tư này cho biết, mục đích anh muốn phòng thủ tiền mặt vì lo ngại dịch bệnh làm đảo lộn thị trường đầu tư, tính thanh khoản của các tài sản kém dần kể từ năm Covid thứ nhất đến nay, tài sản cho thuê cũng suy giảm hiệu suất lợi nhuận. “Phòng thủ tiền mặt lúc này tôi có thể linh hoạt cân nhắc các phân khúc ít rủi ro với tính thanh khoản cao, đồng thời giải phóng áp lực nợ xấu“, anh Minh cho hay.
Cũng có tâm lý thu hồi tiền mặt, bà Ly, ngụ tại khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh chia sẻ trong đợt dịch lần thứ tư, bà xả hàng 2 căn hộ cao cấp tại quận 7, thuộc khu Nam Sài Gòn với giá thấp hơn 8% so với thị trường, thu hồi 7,5 tỷ đồng.
Giao dịch được thực hiện thành công đầu tháng 5, nhà đầu tư này thừa nhận may mắn khi thời điểm bán nhà thành phố chưa rơi vào tình trạng giãn cách, chưa xuất hiện các khu phong tỏa. Lý do bà Ly xả hàng căn hộ tại khu Nam là để tất toán khoản vay hơn 7 tỷ đồng căn nhà phố dự án tại TP Thủ Đức, thuộc khu Đông TP HCM.
Bà Ly thừa nhận, nếu thị trường tốt hoặc trong điều kiện bình thường, bà sẽ giữ lại các căn hộ cho thuê, chờ tăng giá mới bán dần, tiền thu được từ cho thuê dùng để trả nợ nhà băng. Thế nhưng, đợt dịch lần thứ tư khiến thị trường suy yếu trầm trọng, khách thuê không có, nợ vay bị giục đòi hàng tháng, giá bất động sản thứ cấp giảm, chỉ có các chủ đầu tư tăng giá trên thị trường sơ cấp.
“Kịch bản chờ tăng giá trên thị trường thứ cấp còn xa. Tình thế này buộc phải thoát hàng thu hồi vốn. Tiền mặt thu về, nợ nhà băng ưu tiên trả trước vì lãi cao, kế đến tất toán nợ đối tác. Tiền mặt lúc này là vua, người mua ít người bán nhiều nên thoát được hàng đã là may“, bà Ly nói.
Không phải ai cũng kịp xả hàng thu hồi dòng tiền
Tuy nhiên, không phải ai cũng kịp xả hàng thu hồi dòng tiền trong đợt dịch lần thứ tư, không ít trường hợp chào bán bất động sản nhiều tháng ròng nhưng ế dài. Bà Lệ, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM cho biết đã chào bán căn hộ và đất nền tại Bình Dương từ đầu năm 2020 nhưng đến quý I/2021 vẫn không có khách mua. Từ đầu tháng 5, bà Lệ chấp nhận bán giá mềm hơn 5% nhưng do dịch bệnh, giao dịch bế tắc.
Khảo sát của VnExpress, từ quý II đến nay, thị trường bất động sản thứ cấp tại TP HCM được các nhà đầu tư mua đi bán lại với giá thương lượng giảm trên dưới 10% tùy khu vực và sản phẩm. Nguyên nhân giá thứ cấp giảm là giới đầu tư do chịu áp lực nợ xấu và bị tác động tâm lý thị trường xuống thấp của đợt dịch lần thứ tư diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tại TP HCM cao nhất nước. Các chủ tài sản xả hàng đa phần vì mục tiêu cần dự trữ vốn và phòng thủ tiền mặt.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa xác nhận, trong đợt dịch lần thứ tư, tâm lý tiền mặt là vua đã và đang chiếm lĩnh thị trường mạnh nhất so với trước đại dịch. Đợt dịch bùng phát cuối tháng 4 khiến nhiều nhà đầu tư chủ động xả hàng, buông bớt một số tài sản như: căn hộ, đất nền và nhà phố đang ôm để thu hồi dòng tiền phòng thủ. Nhu cầu bán bất động sản trên thị trường hiện nay lớn hơn nhu cầu mua vào, giao dịch trầm lắng, sụt giảm ở nhiều phân khúc.
Ông Quang phân tích, có 3 nguyên nhân khiến giới đầu tư muốn phòng thủ tiền mặt trong đợt dịch lần thứ tư. Thứ nhất, áp lực trả nợ đến hạn trong khi các nguồn thu hỗ trợ bị đứt gãy tạm thời và chưa xác định “bao giờ có ngày nắng đẹp”. Thứ hai, dự phòng rủi ro thị trường và rủi ro sức khỏe. Thứ ba, nắm giữ tiền mặt khi thị trường giảm tốc có thể tăng cơ hội bắt đáy hoặc mua giá tốt hơn so với trước đại dịch.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa dự báo, thị trường địa ốc nhiều khả năng diễn ra theo chiều hướng trầm lắng kéo dài do biến số Covid khó lường và chiến dịch tiêm vaccine cần thời gian để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. “Thị trường càng trầm lắng, cơn khát tiền mặt có thể càng tiếp tục leo thang”, ông Quang nhận định.
Tham khảo: https://vnexpress.net/gioi-dau-tu-dia-oc-khat-tien-mat-4338807.html