Dòng vốn ùn ùn đổ tiếp vào trái phiếu bất động sản
Lĩnh vực kinh doanh, đầu tư bất động sản trong quý II/2021 chịu tác động nặng nề hơn bởi Covid-19, song doanh nghiệp bất động sản vẫn giữ nhịp phát hành trái phiếu với tần suất dày, lãi suất cao.
Nội dung chính trong bài
Oanh tạc thị trường quốc tế, gom về 1 tỷ USD
Theo kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp được tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Hải Phát liên tiếp thực hiện các đợt phát hành trái phiếu dày đặc trong 3 tháng gần đây.
Cụ thể, với 4 đợt phát hành trái phiếu vào các ngày 5/5, 17/5, 8/6, và 6/7, Hải Phát huy động được tổng cộng 950 tỷ đồng. Đáng kể, trong đợt phát hành ngày 8/6, Hải Phát bán được 100 tỷ đồng trái phiếu cho một nhà đầu tư cá nhân; còn đợt phát hành ngày 17/5, doanh nghiệp này thu được 100 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu cho 35 nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land cũng có những pha gọi vốn dồn dập. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 16/4 đến ngày 11/6/2021, doanh nghiệp này đã thực hiện tới 5 đợt phát hành trái phiếu.
Với đợt phát hành gần đây vào ngày 11/6, Hưng Thịnh Land huy động được 600 tỷ đồng từ trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, với lãi suất 10% cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo không thấp hơn 10%. Lượng trái phiếu Hưng Thịnh Land phát hành trong đợt này đều do một công ty chứng khoán trong nước mua toàn bộ.
Trước đó, trong tháng 5/2021, Hưng Thịnh Land liên tiếp thực hiện tới 3 đợt phát hành trái phiếu, với giá trị phát hành 1.150 tỷ đồng.
Còn “ông lớn” Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cũng là cái tên thường xuyên được nhắc đến trong cuộc đua phát hành trái phiếu, nhưng sự khác biệt đến từ khẩu vị vốn ngoại. Trong 2 tháng 5-6/2021, doanh nghiệp này thực hiện thành công 3 đợt phát hành trái phiếu. Riêng đợt phát hành ngày 8/6 huy động tới 1.000 tỷ đồng, với lãi suất 10,5%/năm. Trong đó, 2 công ty chứng khoán mua 25% giá trị phát hành, 5 nhà đầu tư cá nhân mua 62,5%, còn lại là nhà đầu tư khác mua.
Đáng chú ý, một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mua toàn bộ 2,5 triệu trái phiếu do Novaland phát hành riêng lẻ vào ngày 26/4, với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 3 năm và lãi suất 10,5%. Giá trị huy động từ đợt phát hành riêng lẻ này là 250 tỷ đồng.
Trong nỗ lực huy động vốn từ thị trường quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Cayman Islands…, Novaland đã gom được 300 triệu USD từ việc phát hành thành công 1.500 trái phiếu kỳ hạn 5 năm bằng USD ra thị trường quốc tế vào ngày 16/7, với mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu và lãi suất 5,25%.
Mục đích phát hành quốc tế lần này được Novaland cho biết là để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và các hoạt động khác của Tập đoàn cũng như các công ty thành viên. Được biết, Allen & Overy LLP từ Singapore là đơn vị tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu Novaland lần này, còn tổ chức bảo lãnh phát hành là Công ty Credit Suisse tại Singapore.
Trong động thái tương tự, Công ty cổ phần Bất động sản BIM huy động được 200 triệu USD từ đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm bằng USD tại thị trường Singapore vào ngày 7/5.
Ngoài ra, trong quý II còn ghi nhận đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế đáng chú ý của Vingroup, với giá trị huy động lên tới 500 triệu USD.
Rủi ro từ trái phiếu phát hành riêng lẻ
Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 192.203 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm đến 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng tăng 53% so với cùng kỳ, đạt 15.375 tỷ đồng.
Còn số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước trong quý II/2021, các ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 18.485 tỷ đồng; theo sau là các doanh nghiệp bất động sản với 4.950 tỷ đồng. Nổi bật là Công ty cổ phần Glexhomes (huy động 500 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước) và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (phát hành trái phiếu ra công chúng giá trị 1.500 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng, có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5 – 11%/năm, cao hơn nhiều so với nhóm dẫn đầu phát hành là ngân hàng với lãi suất từ dưới 3% đến dưới 7,5%.
Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước trong quý II/2021 đạt hơn 110.263 tỷ đồng, trong đó tháng 6 chiếm 47,4% tổng giá trị phát hành với 52.274 tỷ đồng, gần gấp đôi giá trị phát hành trong tháng 5.
Có thể thấy, vào cuối quý II/2021, trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, trong đó nhóm ngành bất động sản thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu rất lớn. Tuy nhiên, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro trước khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao, bởi tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.Bộ Xây dựng cho rằng, các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần thực hiện một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường bất động sản. Trong đó, Bộ Tài chính cần theo sát hơn nữa diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, góp phần vào ổn định chung của cả nền kinh tế.
Tham khảo: https://baodautu.vn/batdongsan/dong-von-un-un-do-tiep-vao-trai-phieu-bat-dong-san-d149496.html