Người mua nhà không dám liều, chần chừ chờ lãi suất hạ nhiệt
(Dân trí) – Hiện tại, giá nhà vẫn được duy trì ở mức cao, lãi suất cho vay chưa hạ nhiệt khiến nhiều người mua chần chừ, không dám liều “xuống tiền”.
Nội dung chính trong bài
Người mua nhà chần chừ
Trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao, nhiều người có ý định vay tiền mua nhà trở nên chần chừ do lo ngại về áp lực trả nợ nặng nề. Điều này càng khiến thị trường bất động sản trầm lắng hơn.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, từ nhiều tháng trước, chị đã muốn mua một căn hộ chung cư tại khu vực Thanh Xuân để ở. Tuy nhiên, sau khi tham khảo thông tin của một số ngân hàng thì chị thấy lãi suất cho vay vẫn còn cao, vượt khả năng chi trả của gia đình.
“Hiện tại, công việc của tôi không ổn định về thu nhập. Và với mức lãi suất 12-14%, tôi nghĩ nếu mình đi vay sẽ tự tạo gánh nặng quá lớn”, chị Hiền chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Văn Cường – một nhân viên kinh doanh tại Hà Nội, cho biết, thời gian qua anh có đi tìm mua căn hộ chung cư tại khu vực quận Hoàng Mai. Mức giá căn hộ mới ở khu vực này thấp nhất cũng rơi vào khoảng 39-45 triệu đồng/m2. Tương tương, căn hộ 60m2 cũng rơi vào khoảng gần 2,4 tỷ đồng.
“Tôi muốn mua nhà, nhưng nếu đi vay ở thời điểm này thì không dám vì lãi suất còn rất cao và nhiều biến động. Tôi thu xếp được tài chính, sẽ cân nhắc mua, cần đi vay tầm 500-600 triệu đồng, còn vay cả tỷ đồng thì không thể đánh liều”, anh Cường nói.
Theo báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giao dịch bất động sản các tháng gần đây vẫn chậm, lý do bởi nhiều người chưa thấy được việc đi vay để mua nhà lúc này là phù hợp với ngân sách gia đình, bao gồm cả những người có nhu cầu ở thực.
Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất vay vẫn ở mức cao do cần độ trễ. Các khoản vay mua nhà thường là vay dài hạn, nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc mức độ rủi ro mới tính tới việc giảm mạnh lãi vay.
Thận trọng rơi vào “bẫy” lãi suất cao
Theo giới chuyên gia, trong trường hợp lãi suất cao như hiện tại, người mua nhà nên cẩn trọng hơn trong việc cân đối tài chính. Dự đoán, lãi suất vay cần giảm xuống dưới 10%/năm thì mới có thể kích cầu tăng sức mua với bất động sản.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, việc vay mượn để mua nhà cũng là động lực để trả nợ và chi tiêu tiết kiệm. Tuy nhiên, người mua phải cân đối tài chính và mức lãi suất vay, nếu phải vay với số tiền quá lớn và mức lãi suất cao thì không nên, nhất là với những gia đình trẻ có thu nhập thấp thì không nên gồng mình vay ngân hàng để mua nhà vì mức lãi suất hiện tại sẽ làm gia tăng áp lực trong trả nợ mỗi tháng.
Ông khuyến cáo, nếu người mua nhà không quá vội thì có thể chờ đến cuối năm giá nhà sẽ có động thái ổn định hơn, mức lãi suất cho vay dự kiến cũng sẽ hạ nhiệt hơn so với hiện tại.
Tuy nhiên, nếu có ý định đi vay mua nhà thì chỉ nên vay tiền ở những doanh nghiệp tín dụng cho vay có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cho phép để đảm bảo yếu tố lãi suất vay cũng như quá trình cho vay và cách thức quản lý được kiểm soát tốt.
“Nếu cá nhân vay tại các doanh nghiệp bên ngoài, rất dễ rơi vào “bẫy” lãi suất cao, cách thức đòi nợ cũng phức tạp hơn”, ông Thịnh khuyến cáo.
Ngoài ra, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, trong bối cảnh lạm phát diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng thế giới vẫn đang điều chỉnh tăng lãi suất, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt thách thức, người mua nhà chỉ nên dành 30% thu nhập của bản thân cho các chi phí liên quan đến nhà ở. Số tiền đó không chỉ dùng để chi trả những khoản vay mà còn phục vụ cho việc đóng thuế, phí bảo hiểm, bảo trì nhà ở.
Tuy nhiên, mức giới hạn 30% hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào tình hình của người mua nhà. Nếu gia chủ còn độc thân và không có con, con số này có thể tăng lên. Ngược lại, nếu người mua nhà đã có gia đình và còn có các khoản nợ khác, tỷ lệ đó sẽ buộc phải giảm xuống.