Môi giới thời Covid-19: mòn mỏi đợi hoa hồng
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài hơn 3 tháng đã đẩy nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều môi giới bất động sản đang rơi tình cảnh “mòn mỏi” đợi hoa hồng.
Nội dung chính trong bài
Bán được sản phẩm nhưng mòn mỏi đợi hoa hồng
Dịch bệnh kéo dài và phức tạp từ năm ngoái đến nay khiến việc bán bất động sản gặp nhiều khó khăn, môi giới không chỉ rất vất vả để chốt được khách, bán được sản phẩm mà còn rất vất vả để nhận được hoa hồng. Chị Phạm Thị Thanh, một môi giới đang bán căn hộ chung cư tại Hà Nội cho biết, thời kì giãn cách này, chị có nhiều thời gian rảnh rỗi nên một trong những việc chị làm là “nhắn tin đòi hoa hồng”. Cuối năm ngoái, chị Thanh kí hợp đồng cộng tác viên với một sàn nhỏ chuyên phân phối hàng thứ cấp dự án chung cư Hà Nội. Chị bán được 3 căn hộ trong hơn 1 tháng, khách đã kí hợp đồng mua bán thành công nhưng chủ sàn không thanh toán hoa hồng theo thời gian thỏa thuận trên hợp đồng với chị. Nhiều lần gọi điện, nhắn tin và đến tận nơi đòi, chủ sàn đều viện lý do kinh doanh khó khăn để khất lần việc trả. Đầu tháng 4/2021, chị Thanh mới nhận được một nửa tiền hoa hồng của 3 căn hộ đó và đến giờ 1 nửa hoa hồng vẫn chưa đòi được. “Tôi vẫn kiên trì vài ngày lại nhắn tin, gọi điện để đòi hoa hồng, không biết có đòi được không nhưng tiền mồ hôi công sức của mình nên tôi không đành lòng bỏ qua”, chị Thanh chia sẻ.
Bán một căn biệt thự hồi tháng 3 nhưng đến nay nhóm của anh Nguyễn Anh Tuấn cũng chưa lấy được hết hoa hồng. Anh Tuấn cũng kiên trì “đòi” hoa hồng trong suốt thời gian dài. Nhưng dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh của nhiều chủ đầu tư, nhiều sàn gặp khó khăn. Chủ đầu tư thì trả hoa hồng rất chậm và khi trả về sàn thì sàn cũng không trả hết cho nhóm anh mà còn dùng tiền đó để “đập” vào nhiều khoản chi và nợ nần khác. Hiện nhóm của anh vẫn tiếp tục kiên trì đòi nhưng phía bên sàn vẫn viện lý do dịch bệnh khó khăn nên sẽ cố gắng thu xếp trả sau. Chính sự không sòng phẳng này đã khiến nhóm anh Tuấn đồng loạt nghỉ việc, chuyển sang làm việc cho một sàn khác.
Dịch bệnh khiến nhiều những sàn tài chính yếu nợ hoa hồng môi giới
Kém may mắn hơn chị Thanh và nhóm anh Tuấn, Phương Thảo, một sale bán đất nền ven Hà Nội cho biết ngoài khoản thưởng nóng đã được thanh toán, một sàn chuyên bán đất nền ven Hà Nội vẫn nợ Thảo tiền bán hoa hồng 1 lô đất đã 7 tháng nay. Thảo đã đòi từ khi còn là môi giới đến khi bỏ nghề, chuyển sang bán hàng online. Và chưa đòi được hoa hồng thì đợt dịch bùng phát lần thứ 4, sàn đó tuyên bố phá sản. Đến thời điểm này, Thảo đã buộc phải bỏ cuộc, chấp nhận mất hoa hồng. “Giờ sếp sàn đó nợ tiền hoa hồng rất nhiều sale, và từ hồi tuyên bố phá sản, giải thế công ty, ông sếp đó cũng lặn mất tăm, không ai liên hệ được”, Thảo cho biết.
Hàng trăm sàn giao dịch buộc phải đóng cửa
Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Thời điểm đầu năm 2020 khi dịch bệnh mới bùng phát, số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết khoảng 1/3 số sàn giao dịch trong tổng số hơn 1.000 sàn giao dịch trên cả nước buộc phải đóng cửa. Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố đầu năm 2021 thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, ngành bất động sản có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5% so với năm 2019.
Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết gần 6 năm trong nghề, đây là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường mà anh đã trải qua. Hiện tượng môi giới bị sàn, bị chủ đầu tư “bùng” hoa hồng diễn ra phổ biến hơn, nhiều hơn so với các năm trước. “Phần lớn anh em làm trong mảng này đều có ý thức giữ uy tín để có thể đi lâu dài được với nhau nhưng dịch bệnh đã khiến nhiều chủ đầu tư, nhiều sàn gặp khó khăn và không sòng phẳng với công sức của anh em môi giới”, anh Tuấn cho biết.
Anh Nguyễn Hải Thắng, giám đốc kinh doanh một sàn có quy mô tại Hà Nội cho biết, nợ và bùng tiền hoa hồng của môi giới thường diễn ra ở những chủ đầu tư, những sàn nhỏ tiềm lực tài chính yếu kém. Cách làm ăn không chuyên nghiệp, chộp giật của những đơn vị này sẽ không thể trụ được trên thị trường. Sàn giao dịch sẽ né bán hàng cho những chủ đầu tư nợ hoặc không trả phí và môi giới sẽ không làm việc cho những sàn nợ hoặc không trả hoa hồng. “Môi giới nên chọn làm việc với những sàn đã có uy tín trên thị trường để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, anh Thắng đưa ra lời khuyên.
Tham khảo: https://batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/moi-gioi-thoi-covid-19-mon-moi-doi-hoa-hong-ar107298