Lý do bán bất động sản online kén khách mua
TP HCMNhà, đất không thể tự di chuyển, người mua phải đến xem thực tế vị trí, ranh đất, hạ tầng…, những điểm mà giao dịch online chưa đáp ứng được.
Đợt dịch lần thứ tư cùng với biện pháp phong tỏa vừa qua đang khiến thị trường bất động sản TP HCM dịch chuyển rầm rộ theo xu hướng chào bán nhà đất online nhưng kênh này rất kén khách mua. Theo các chuyên gia, bán nhà đất trực tuyến chỉ là một công cụ hỗ trợ tạm thời trong mùa giãn cách, phong tỏa chứ chưa thể đóng vai trò quyết định chốt giao dịch thành công. Có ít nhất 3 yếu tố dẫn đến giao dịch bất động sản online không đạt hiệu quả kỳ vọng.
Nội dung chính trong bài
Chưa đáp ứng được nhu cầu ‘đến tận nơi, xem tận mặt’
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty Tín Thành cho biết, vì tài sản nhà, đất luôn cố định và nằm bất động nên con người phải là chủ thể di chuyển đến vị trí, địa bàn cụ thể để xác thực các thông tin. Đa phần người Việt có tâm lý phải đến xem thực tế căn nhà, nền đất để kiểm tra ranh giới, lộ giới, kết nối giao thông… có đúng như lời chào bán hay không.
Người mua cũng cần đi thực địa để định vị hướng (phong thủy), kết nối hạ tầng giao thông (cầu, đường), hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, chợ, tiện ích vui chơi giải trí…) và cả môi trường sống, láng giềng xung quanh. Theo ông Duyệt, đây là một trong những điểm khiến các kênh bán bất động sản online lép vế so với bán hàng trực tiếp vì không thể rút ngắn bước này.
Thói quen giao dịch trực tuyến chưa đồng bộ
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết mặc dù nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đầu tư các kênh bán hàng trực tuyến để hỗ trợ khách hàng mùa dịch, thói quen giao dịch online của người dân hạn chế là một rào cản rất lớn. Cả quy trình bán hàng và hỗ trợ thông tin đã được thiết kế online nhưng chỉ cần một bước bị chậm lại hoặc ngắt quãng cũng khiến giao dịch ách tắc.
Ví dụ, từ khâu chủ đầu tư giới thiệu dự án đến khách hàng đặt cọc, chọn sản phẩm, xác thực mua bán đã hoàn tất, nhưng bước thanh toán để ký hợp đồng mua bán đòi hỏi số tiền lớn hơn, trong khi khách hàng chỉ có khoản tiền này trong sổ tiết kiệm nên bị vướng không thanh toán online được. Tình huống này buộc người mua vẫn phải tìm cách di chuyển đến ngân hàng giữa đợt phong tỏa trong đợt dịch lần thứ tư, để rút tiền từ sổ tiết kiệm, sau đó chuyển khoản cho chủ đầu tư để hoàn tất thanh toán.
Hoặc giao dịch online nhưng vẫn phải công chứng trực tiếp, buộc bên bán và bên mua phải sắp xếp thời gian để đến phòng công chứng. Điều này dẫn đến các bên phải chờ dịch bệnh được kiểm soát và dỡ phong tỏa mới có thể tiến hành công chứng. Đó là chưa kể đến các khâu kiểm tra pháp lý và thông tin quy hoạch trực tuyến hiện nay vẫn chưa đồng bộ, có tỉnh thành đã áp dụng, có địa phương vẫn chưa cập nhật chức năng này.
Bà Hương phân tích, các ví dụ cho thấy, giao dịch nhà đất trực tuyến chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi tất cả các bước trong quy trình mua bán bất động sản đều có thể thực hiện online và thói quen giao dịch trực tuyến của cả bên bán và bên mua đều phải đồng bộ.
Bán nhà đất online mới chỉ đạt hiệu ứng truyền thông
Ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Khối Tiếp thị và Kinh doanh DKRA Vietnam, thừa nhận các chương trình bán bất động sản trực tuyến hiện nay thường chỉ đạt hiệu quả về mặt thông tin, thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng chứ không dễ chốt được giao dịch.
Theo ông Hiếu, hiệu quả bán bất động sản online thường khá thấp, trung bình chỉ bằng 20% so với các đợt chào bán thông thường, nếu hiệu suất tốt nhất cũng chỉ bằng một nửa so với bán hàng trực tiếp (offline).
Giám đốc Công ty Tín Thành cho rằng trong thời gian diễn ra đợt dịch lần thứ tư, những giao dịch bất động sản trực tuyến thành công chỉ là cá biệt. Thông thường rơi vào trường hợp người mua có nhu cầu thật, đã đi xem và khảo sát nhiều lần, nắm được chi tiết thông tin của bất động sản. Thậm chí nhiều khả năng người mua trực tuyến cũng đã có sự chuẩn bị trước khâu thẩm định giá, đã chọn ra một vài tài sản ưng ý để so sánh, chỉ khi thương lượng đạt được giá cả kỳ vọng mới có thể giao dịch online ngay.
Theo ông Duyệt, khoảng 80% người tiếp cận các kênh bán bất động sản online chỉ xem đây là bước tham khảo ban đầu để tiếp nhận thông tin cơ bản. Đa số giới đầu tư địa ốc chọn phương án chờ qua dịch mới thăm đất, thăm nhà hoặc ghé dự án thực địa rồi mới ra quyết định xuống tiền mua tài sản.
Tham khảo: https://vnexpress.net/ly-do-ban-bat-dong-san-online-ken-khach-mua-4364260.html