Luật sư chỉ cách mua bất động sản an toàn trong thời điểm giãn cách
Dịch bệnh và chính sách giãn cách khiến cho nhu cầu giao dịch, đặt cọc, công chứng chuyển nhượng sang tên bị gián đoạn. Làm thế nào để đặt cọc hoặc chuyển nhương bất động sản khi bên mua và bên bán nằm trong khu vực thực hiện giãn cách?
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số địa phương đã áp dụng Chỉ thị 15, 16, thực hiện giãn cách xã hội. Việc thực hiện giãn cách khiến các hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trở nên gặp nhiều khó khăn, nhất là khi bên mua hoặc bên bán cư trú tại khu vực thực hiện Chỉ thị 15, 16.
Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, thời điểm giãn cách và dịch bệnh họ lại có nhiều cơ hội để xuống tiền mua bất động sản giá rẻ. Vì nhu cầu mua bất động sản, nên không ít nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền đặt cọc và chờ đợi hết giãn cách sẽ thực hiện chuyển nhượng hợp đồng.
Tuy nhiên, lại có những nhà đầu tư lo ngại về tính pháp lý đảm bảo khi thời gian có thể kéo dài quá dự tính nếu như bên mua, bên bán nằm trong khu vực đang thực hiện giãn cách.
Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, trường hợp khách hàng mua đất ở khu vực, điển hình như TP.HCM, sau đó bị gián đoạn vì chính sách giãn cách xã hội không phải hiếm gặp.
Luật sư Lên Văn Hồi tư vấn về cách thức giao dịch an toàn cho bên mua và bên bán. Theo đó, về phương án đặt cọc, cần dự thảo hợp đồng đặt cọc để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hai bên thống nhất toàn bộ nội dung của hợp đồng đặt cọc trước khi tiến hành ký kết.
Trong hợp đồng đặt cọc ghi nhận rõ thời điểm dự kiến ký kết là 30 ngày kể từ ngày TP.HCM và Hà Nội (hoặc các địa phương khác mà nơi người mua, người bán đang cư trú) chấm dứt việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và đường bay nội địa không bị gián đoạn. Như vậy, khoảng thời gian giãn cách xã hội sẽ không tính vào khoảng thời gian để hai bên dự kiến ký kết hợp đồng mua bán.
Do hai bên không thể gặp mặt trực tiếp, bên bán in hợp đồng đặt cọc quay phim đoạn video ký kết hợp đồng đặt cọc rồi gửi: Video quay hình ảnh ký kết; hợp đồng đặt cọc bản chụp có chữ ký tương; Hợp đồng đặt cọc bản gốc qua đường bưu điện. Sau khi nhận được đầy đủ tài liệu như nêu trên thì bên mua chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của bên bán.
“Thời điểm này thì dịch vụ công chứng vẫn được phép hoạt động, tuy nhiên, đối với những địa phương áp dụng Chỉ thị 16 thì việc thực hiện ký kết Hợp đồng chuyển nhượng công chứng là rất khó khăn.
Liên quan tới trường hợp, người mua uỷ quyền cho bên thứ 3 (là môi giới hoặc người thân) để thực hiện chuyển nhượng, luật sư Lê Văn Hồi cho rằng: “Người được ủy quyền chỉ có thể ký kết hợp đồng chuyển nhượng khi có hợp đồng uỷ quyền có công chứng. Với trường hợp Hà Nội đang giãn cách thì rất khó để thực hiện việc làm hợp đồng uỷ quyền có công chứng“.
Luật sư Lê Văn Hồi khuyến nghị về việc thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thời điểm này nên hạn chế vì tình hình thực hiện giãn cách có thể kéo dài do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tham khảo: https://cafebiz.vn/luat-su-chi-cach-mua-bat-dong-san-an-toan-trong-thoi-diem-gian-cach-20210908172452532.chn