Khi nào “giấc mơ” 1 triệu căn nhà ở xã hội trở thành hiện thực?
Hàng loạt khó khăn, vướng mắc về pháp lý đã và đang tồn tại nếu không sớm được tháo gỡ sẽ là hệ lụy khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội khó trở thành hiện thực.
Trong Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) đến năm 2030 mới được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, sẽ cần tạo điều kiện cho DN huy động khoảng hơn 1,1 triệu tỷ đồng để thực hiện. Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn vướng mắc về pháp lý đã và đang tồn tại, nếu không được tháo gỡ sẽ khiến kế hoạch phát triển NOXH sẽ khó trở thành hiện thực.
Trong bối cảnh thị trường đang thiếu trầm trọng nguồn cung NOXH, nhiều DN muốn đầu tư, nhưng phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, lợi nhuận thấp và quy định chồng chéo. Hàng loạt vướng mắc khiến DN không thể triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng NOXH.
Hiện nay, cơ sở pháp lý về NOXH đang dần được điều chỉnh. Tuy nhiên hàng năm, Chính phủ đều có thông báo lãi vay cho loại hình nhà ở này, nhưng nguồn ngân sách, giải ngân không nhiều dẫn đến các gói vay mua của người dân chưa được đáp ứng kịp thời.
“Sau thời gian làm nhóm NOXH, DN thấy rằng nếu quy định về giá trần NOXH cho từng khu vực sẽ phù hợp hơn với quy định phê duyệt giá bán nhà. Các DN quan tâm đến các dự án NOXH đang chờ đợi việc thay đổi chính sách mới xác định được hướng đi tiếp theo”, ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Tường nêu quan điểm.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 275 dự án NOXH với quy mô khoảng 147.000 căn hộ. Gần 400 dự án với quy mô khoảng 375.000 căn hộ đang được triển khai. Kết quả phát triển NOXH trong thời gian qua chưa đạt được kỳ vọng.
Theo Bộ Xây dựng, không ít địa phương chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực các dự án NOXH từ nguồn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và người dân tham gia đầu tư xây dựng NOXH, dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án kéo dài. Trong khi đó, nhiều DN sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, một trong những khó khăn của việc triển khai thực hiện dự án NOXH là trình tự thủ tục còn phức tạp, kéo dài thậm chí còn chậm triển khai thực hiện ở một số địa phương. “Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu và ban hành hướng dẫn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng một cách đầy đủ và cụ thể để làm cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện”, ông Dũng tiết lộ.
Trên thực tế, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức DN, HTX thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NOXH trong khi nhu cầu đang rất lớn để cho người lao động ở. Bên cạnh đó, việc ưu đãi đối với DN không thực chất.
Các ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế… nhưng thực tế chủ đầu tư không được hưởng mà người dân mới được hưởng. Ưu đãi thuế đối với chủ đầu tư dự án NOXH, nhà ở công nhân chỉ để cho thuê không thực hiện được do pháp luật về thuế không có quy định. Tại nhiều địa phương chưa dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, quy định không nhất thiết phải có 1 quỹ đất 20% trong khu công nghiệp hay khu này khu kia, nhưng phải giải quyết được 2 vấn đề là phải có quy hoạch rõ ràng. “Thứ nhất là khu công nghiệp phải có nhà ở cho công nhân, có NOXH. Thứ hai là với NOXH, nhà ở cho công nhân cần phải có hệ sinh thái, không ai ra ở khu NOXH với đồng không mông quạnh, ngập lụt hay đường trường trạm không có”, ông Lực chỉ ra.
Trước hàng loạt vướng mắc trong công tác phát triển NOXH, các chuyên gia cho rằng, giải pháp cấp thiết hiện nay là cần sớm gỡ bỏ các “nút thắt” do khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ, quỹ đất cũng như cải cách mạnh về thủ tục hành chính để thu hút các DN tham gia đầu tư. Một vấn đề quan trọng khác là phải khắc phục được tình trạng mua bán NOXH không đúng đối tượng, biến việc này trở thành hoạt động đầu cơ, trục lợi./.
Nguồn cafebiz.vn