Hết thời hét giá, chủ đất và môi giới cùng bị ép giá
(Dân trí) – Không ít chủ đất sẵn sàng bán cắt lỗ do áp lực trả nợ, nhưng người mua thì không mấy mặn mà giao dịch, có khi còn liên tục ép giá xong “lật kèo”.
Nội dung chính trong bài
Chủ đất bị ép giá
Thực tế, hiện nay, tâm lý của nhiều nhà đầu tư đất là nghe ngóng và chờ đợi giá đất tiếp tục giảm, do đó, gần như việc xuống tiền là không xảy ra. Tuy nhiên, nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn theo sát thị trường bằng nhiều cách khác nhau.
Tự rao bán cắt lỗ lô đất nền ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) trong các nhóm hội trên mạng xã hội với mong muốn bán được nhanh nhưng nhiều tháng qua, chị Nguyễn Thị Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa thể tìm khách mua. Chị kể có rất nhiều người gọi điện hỏi thông tin về lô đất, có người còn tham gia trả giá, nhưng cuối cùng giao dịch vẫn không thành công.
“Tôi rao bán lô đất nền 95m2 từ cuối năm 2022 nhưng hiện nay vẫn chưa bán được. Giá hiện tại tôi rao bán là 1,4 tỷ đồng, giảm 300 triệu đồng so với lúc mua đầu năm 2022”, chị Thúy nói.
Chị chia sẻ, lúc đầu chị nghĩ việc tự rao bán sẽ dễ dàng và không bị mất tiền phí môi giới để sẵn sàng giảm giá tốt hơn cho khách có nhu cầu thực. Tuy nhiên thực tế là chị mất quá nhiều thời gian vào việc dẫn khách, trao đổi thông tin với người mua.
“Nhiều khách hỏi mua, yêu cầu tôi dẫn tới tận nơi xem, sau đó không liên lạc lại. Có người thì lại trả giá thấp hơn rao bán cả trăm triệu đồng, nhưng khi tôi đồng ý bán thì lại ngần ngại và không tiếp tục giao dịch”, chị Thúy nói.
Cùng cảnh ngộ với chị Thúy, anh Nguyễn Đức Thành (ở Hà Nội) cho biết, căn nhà xây sẵn của anh ở quận Hoàng Mai đang rao bán được rất nhiều quan tâm hỏi mua nhưng đa phần chỉ hỏi với tính chất tham khảo giá, chứ không chủ đích mua.
“Rất ít người mua thực hỏi mua thực căn nhà của tôi. Nhiều người là môi giới, hoặc nhà đầu tư họ hỏi để tìm hiểu giá với tính chất tham khảo”, anh Thành nói.
Hết thời hét giá
Chia sẻ với Dân trí, anh Nguyễn Văn Công – một chủ sàn môi giới bất động sản ở Hà Nội – cho biết, hiện tại, thị trường bất động sản khu vực Hà Nội đã có phần đỡ trầm lắng hơn những tháng cuối năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua chưa thực sự lớn, trong khi đó, số lượng người cần bán nhà đất thì tăng cao hơn.
“Không ít chủ đất đang đứng trước các áp lực về tài chính buộc phải bán do khoản vay nợ đến kỳ phải trả. Giá đất có xu hướng đi ngang và giảm, chỉ có số ít lô đất có vị trí đẹp thì vẫn được chủ đất kỳ vọng bán có lãi”, anh Công nói.
Cũng theo anh Công, hiện tại, văn phòng anh đang có hàng chục lô đất nền được gửi bán. Anh thừa nhận văn phòng anh cũng chỉ dám nhận những lô đất có vị trí không quá xấu và giá phải giảm.
“Khoảng cuối năm 2021, đầu năm 2022, để tìm đất cho khách hàng, nhân viên văn phòng của tôi đã phải tới gõ cửa từng chủ đất để hỏi mua. Lúc đó, gần như chủ đất nào cũng đưa ra mức giá rất cao so với giao dịch được chúng tôi kết nối trước đó, nhưng hiện tại mọi thứ đã đảo chiều”, anh Công nói.
Còn theo anh Trần Văn Nguyên – một môi giới bất động sản ở Hà Nội, ngoài xu hướng giảm giá, thị trường hiện nay cũng rất kém thanh khoản. Nhiều người có nhu cần bán ra nhưng người mua thì chỉ dừng lại ở mức tham khảo.
“Khách hàng cũ của tôi có cả người muốn bán ra và người mua vào. Nhưng thời điểm này thì rất khó để gặp được nhau, bởi người bán thì cố gắng có lãi, hoặc lỗ thấp, còn người mua thì chờ giá giảm tiếp”, anh Nguyên nói.
Ngoài ra, theo anh Nguyên, việc thị trường kém thanh khoản, nhưng sự quan tâm vẫn lớn khiến cho người bán và môi giới vẫn phải cố gắng lắng nghe người mua. Không ít người mua đi tìm hiểu cả chục lô đất, nhưng không có 1 giao dịch thành công.
“Tôi dẫn khách đi xem nhiều lô đất, khách vẫn chốt mua. Có khách yêu cầu chúng tôi liên hệ với chủ đất thương lượng theo giá đưa ra, nhưng thuyết phục được chủ đất, người mua lại lật kèo”, anh Nguyên nói.
Nguồn dantri.com.vn