Bất động sản nghỉ dưỡng chờ “hộ chiếu vắc-xin”
“Hộ chiếu vắc-xin” được ví như là “đũa thần” để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vực dậy sau nhiều tháng “bất động” do dịch bệnh.
Nội dung chính trong bài
“Bất động” vì dịch bệnh
Trong cả năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, cả nước gần như “trắng” khách quốc tế vì Covid-19. Khách nội địa là nguồn thu để các khách sạn cầm cự, nhưng cũng rất khó khăn.
Tại Hà Nội và TP.HCM, tình trạng vắng bóng khách du lịch kéo dài, kinh doanh thua lỗ khiến nhiều khách sạn đã phải đóng cửa, thậm chí, một số khách sạn đã phải rao bán.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang mong chờ “hộ chiếu vắc-xin” được triển khai rộng rãi để để đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh trở lại bình thường.
Tại Đà Nẵng – một trung tâm về du lịch của miền Trung, hàng loạt khách sạn đã không trụ nổi trước áp lực của dịch Covid-19. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đã kiệt quệ vì dịch bệnh; nhiều nhà hàng, khách sạn đã phải rao bán.
“Một số nhà đầu tư kinh doanh lưu trú với quy mô không lớn và khả năng tài chính yếu không chịu được áp lực thì phải bán cắt lỗ, chỉ tập trung ở phân khúc hạng thấp. Số lượng cơ sở kinh doanh này cũng không quá nhiều”, ông Cao Trí Dũng cho biết.
Báo cáo mới đây của Công ty DKRA Vietnam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, Đà Nẵng chỉ đón nhận 2 dự án nhà phố – biệt thự – shophouse mới mở bán. Nguồn cung mới tập trung ở khu vực các quận Sơn Trà và Hải Châu. Giá bán sơ cấp không mấy biến động so với những đợt mở bán trước, nhiều chính sách bán hàng với mức chiết khấu cao được áp dụng nhằm kích cầu trước đà suy giảm chung của thị trường.
Tại phân khúc condotel và biệt thự biển, thị trường nơi đây cũng rơi vào trạng thái trầm lắng, sức cầu thị trường rất thấp và cũng không có nguồn cung mới. Cụ thể, các dự án condotel chủ yếu trên thị trường đến từ các dự án đã mở bán trong giai đoạn trước năm 2019. Tuy nhiên, số lượng còn khá khiêm tốn. Sức tiêu thụ chung ở mức rất thấp, thị trường gần như chững lại trong thời gian vừa qua do tác động của Covid-19.
Chờ phá băng bằng “hộ chiếu vắc-xin”
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, họ đang mong chờ “hộ chiếu vắc-xin” được triển khai rộng rãi để để đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như việc triển khai dự án trở lại bình thường.
Ông Phạm Sỹ Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thủ Thiêm (Thủ Thiêm Real) cho rằng, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành nghề như hàng không, giao thông, du lịch, các dịch vụ lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, mô hình homestay), nhà hàng… quay trở lại nhịp hoạt động “bình thường mới”.
Đây cũng có thể được xem như một mắt xích quan trọng trong vòng tuần hoàn khép kín của nền kinh tế, để hồi sinh lại ngành du lịch và từ đó tác động dây chuyền đến tất cả các ngành nghề khác.
Cụ thể, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ tạo điều kiện cho kết nối giao thương du lịch quốc tế lẫn nội địa.
Theo ông Hoàng, việc ngành du lịch hoạt động trở lại thuận lợi sẽ tạo ra dòng tiền cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, các chủ đầu tư tái đầu tư các dòng bất động sản nghỉ dưỡng… Từ đó, gián tiếp tạo ra sức hút cho các dòng sản phẩm thuộc phân khúc này. Ngoài ra, điều này cũng sẽ tạo nên niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư, các quỹ và hơn nữa là các đơn vị phát triển, quản lý vận hành quốc tế, vốn luôn hào hứng và mong muốn “rót tiền” vào thị trường đầy tiềm năng này.
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho biết, việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin” sẽ giúp mở cửa lại ngành du lịch, khơi thông các đường bay trong nước và quốc tế, qua đó, tạo cú hích phục hồi, phát triển kinh tế. Cùng với đó, “hộ chiếu vắc-xin” còn giúp đưa các chuyên gia, nhà đầu tư trở lại Việt Nam, thúc đẩy các công việc đang bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Với quyết tâm cao, tôi tin rằng, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ sớm được triển khai ở Việt Nam vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Với chúng tôi, vấn đề đặt ra hiện nay là việc tiếp cận vắc-xin khá khó khăn. Do vậy, cần có sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận vắc-xin để tiêm phòng cho người lao động, tạo tâm lý yên tâm công tác”, đại diện BHS Group chia sẻ.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, “hộ chiếu vắc-xin” chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số trở lên được tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nếu triển khai ồ ạt “hộ chiếu vắc-xin” với người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không quản lý chặt, thì sẽ đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, khó kiểm soát.
Do vậy, một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất, trước mắt, Việt Nam có thể áp dụng mô hình “du lịch ít tiếp xúc”, nghĩa là những người có “hộ chiếu vắc-xin” có thể nhập cảnh, được xét nghiệm Covid-19, cách ly tập trung trong số ngày hợp lý, đến những nơi ít tập trung đông người. Tất cả hoạt động này phải được giám sát chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan…
Tham khảo: https://baodautu.vn/batdongsan/bat-dong-san-nghi-duong-cho-ho-chieu-vac-xin-d151187.html