An cư trước hay lạc nghiệp trước?
Hai từ an cư trong câu nói người xưa ý là an ổn chỗ ở. Còn lạc nghiệp không chỉ là sự giàu có về sự nghiệp, mà là tìm ra được ý nghĩa và mục đích trong mọi việc.
Nội dung chính trong bài
Câu chuyện chia sẻ ý nghĩa của “an cư”, “lạc nghiệp”, chớ hiểu sai
Tôi với Dung thân nhau đến nay đã tròn 6. Một đứa quê Quảng Ninh, một đứa gốc Nam Định quen nhau thuở mới ra trường, làm chung một công ty giáo dục. Dung ra trường muộn hơn tôi một năm nên khi tuyển dụng được tính là sinh viên chưa có kinh nghiệm, thu nhập dừng ở mức 6 triệu đồng.
Tiền lương khiêm tốn, đô thị đắt đỏ, giật gấu vá vai lắm mới đủ cho bạn sống được, 6 triệu ấy bạn còn phải tiết kiệm 1 triệu phòng thân và gửi cho mẹ 1 triệu. Thành thử ra, đi làm cả năm Dung chẳng dám mua gì cho mình. Mỗi lần đi shopping, bạn tôi đóng vai trò là một người tư vấn tận tâm chứ ít khi dám rút túi mua cho mình món đồ gì đắt đỏ (dăm bảy trăm ngàn đồng) dù lỡ có thích lắm rồi.
Sau 1 năm gắn bó cùng đồng lương ba cọc ba đồng, Dung may mắn tìm được công việc đúng chuyên môn với mức lương cao vút. Sau đó, bạn kết hôn vội vã với… giám đốc công ty đối thủ và sau khi cưới thì nghỉ việc, ở nhà phụ chồng kinh doanh.
Về phần tôi, có trong tay vốn liếng mấy năm đi làm, co kéo tiết kiệm và vay mượn thêm bố mẹ, vợ chồng tôi mua được một căn chung cư ở ngoại thành. Tính toán chi ly thì sau 2 – 3 năm nữa, đống nợ may ra mới gọn gàng.
Một dịp được mời ăn mừng nhà mới cô em hàng xóm dưới tầng, chúng tôi tình cờ gặp lại. Lâu ngày không gặp, tôi rủ bạn lên nhà chơi, thăm quan tổ chim bé nhỏ của mình. Bạn khen, “vợ chồng cậu thế mà khéo, trẻ thế đã mua được căn nhà bạc tỷ, còn vợ chồng mình vẫn đi thuê nhà đây”. Nói rồi Dung tính toán, một tháng tính cả điện nước vào chi phí thuê nhà cỡ hơn 8 triệu đồng. Căn hộ 2 phòng ngủ, đầy đủ tiện nghi, rất gần công ty chồng, nhưng suy đi tính lại, 8 triệu ấy là đủ trả gốc lẫn lãi cho một căn chung cư trả góp. Đổ ra mua nhà chả mấy mà có cái tài sản để lại cho các con. Nhưng đứng giữa an cư trước hay lạc nghiệp trước, mình bạn không thể quyết được.
“Thật sự là khó vẹn cả đôi đường cậu ạ. Muốn an cư trước thì phải bỏ ra ít nhất 30% giá trị căn hộ. Như thế thì công việc của chồng không xoay vòng kinh doanh được”, Dung bảo. Còn nếu lựa chọn lạc nghiệp thì phải chấp nhận cảnh ở thuê nay đây mai đó. Dù căn nhà có đắt đỏ, tiện nghi đến mấy vẫn không phải ngôi nhà của mình, thành ra không tránh khỏi tâm lý xuề xòa cho xong. Gia đình hai bên nhiều lần cũng tỏ ý muốn vun vén cho vợ chồng đủ tiền mua căn hộ nhỏ thôi để ở, để mà an cư sớm sinh con đẻ cái, nhưng chồng lại chẳng nghe. Đấng nam nhi vẫn muốn tự thân vận động, không nhờ vả đằng ngoại.
“Nay đến chơi nhà cậu thấy đầy đủ, sung túc mà thèm. Bây giờ cận Tết rồi, tôi rất ngại đi, sinh nhật, nhà mới, thôi nôi…, vì ai cũng hỏi han xem hai vợ chồng có gì mới chưa? Đã mua được nhà chưa? Người tế nhị thì động viên, khen chồng chí thú thế là giỏi làm ăn đấy. Người thẳng tính thì nói giảm nói tránh rồi mà ý nghĩ vẫn là lấy chồng giám đốc chưa mua nổi nhà hả mi???”.
Tôi nghe bạn giãi bày, chẳng biết nên thêm hay bớt lời thì hơn. An cư trước hay lạc nghiệp trước có khác nào câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước đâu, chỉ là có lẽ ý người xưa trong câu nói “an cư” là nói về sự an ổn chỗ ở, không phải cố chấp sắm cho mình một miếng đất cắm dùi. Sự bình an và ổn định, không phải chỉ cho cơ thể mà còn phải cho tâm hồn. Còn lạc nghiệp không chỉ là sự giàu có về sự nghiệp, mà còn là việc tìm ra được ý nghĩa và mục đích sống, tìm được niềm vui và lòng yêu thích trong mọi việc ta làm mỗi ngày. Đó mới là đích đến cao nhất của cuộc sống. Sống để tạo niềm vui, chứ không phải để mua nhà.
Nếu an cư trước mà làm cho cuộc sống toàn nợ nần, thu nhập hàng tháng ưu tiên trả nợ chỉ để có một chỗ chui ra chui vào thì đúng là thảm họa. Cuộc sống còn rất nhiều thứ cần cân bằng và chi tiêu, không chỉ mỗi ngôi nhà.
Còn trẻ ưu tiên phân đấu tích góp, thì cơ hội an cư mới có
Lúc chúng ta còn trẻ, trí óc, sức khỏe ưu tiên dành cho sự học hỏi, phát triển năng lực để đi lên, để thăng tiến cũng là điều đáng mừng. Một vài năm ở nhà thuê không có vấn đề gì, mà cả chục năm ở nhà thuê như giới trẻ nước ngoài cũng có sao đâu nhỉ. Sau khi thu nhập phù hợp, chi trả 20 – 30% tiền kiếm được hàng tháng cho việc mua nhà, lúc đó an cư cũng không muộn. Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, ngoài tâm lý coi ngôi nhà là khẳng định sự trưởng thành, nhất là của những người đàn ông theo kiểu coi “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là việc phải làm, thì thị trường bất động sản và các chính sách ở Việt Nam hiện nay cũng chẳng mấy để ý cổ vũ cho việc chọn nhà thuê, mà ở các loại nhà thuê tự phát hiện nay thì nỗi lo thuê nhà đi kèm với những bất ổn cũng không quá.
Nỗ lực từng ngày và chấp nhận những áp lực là việc ai chẳng trải qua, nhưng cũng nên nhìn rộng ra để thấy rằng cảnh gánh nặng trả nợ ngôi nhà là mầm mống của tranh cãi, lục đục gia đình cũng chẳng thiếu. Cho nên an cư chưa chắc đã lạc được nghiệp, vì “cư” đã được “an” đâu.
Về phần mình, tôi chọn an cư trước vì đã có sẵn 70% giá trị căn nhà, 30% còn lại đi vay nhưng khoản nợ phải trả mỗi tháng chỉ chiếm 10% thu nhập. Còn về phần Dung, chồng bạn chọn lạc nghiệp trước là do chưa sẵn sàng để ra một “khoản tiền chết chôn một chỗ”, trong khi vốn làm ăn có khi lại phải vay ngân hàng lãi suất lên tới 12%/năm chẳng đùa. Mà đàn ông có chí thì nên, trước sau gì chả được an cư.
Chỉ có điều phụ nữ như chúng mình vốn là sinh vật mỏng manh, yếu đuối, dễ bị tác động bởi ngoại cảnh. Mùa Xuân về, cuốn lịch trên bàn chi chít sự kiện hai bên nội ngoại. Lời ra ý vào hỏi han có nhà chưa, có con chưa, sao lâu thế…, cứ nghe mà lại tủi. Tiền trong túi đâu có thiếu mà sao vẫn thấy phận mình chưa trọn vẹn thế nào.
Bàn ra tán vào cũng đã đến giờ cơm trưa, tôi kéo Dung quay lại bữa tiệc tân gia. Ra đến cửa, Dung nán lại nói nốt câu chuyện dang dở. Ngày xưa cậu hay có câu “Phụ nữ có 4 việc trong đời là trọng đại: Lấy chồng tử tế, Công việc tử tế, Có nhà cửa tử tế, Đẻ lấy một đứa con nữa là xong”. Nhìn đi nhìn lại, đôi mình sắp 30 mà cậu có đủ cả 4, còn tôi mới chỉ có 1.
Bạn tôi ơi, cuộc đời mỗi người quanh co khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là một sợi dây thẳng hàng, sướng khổ bằng nhau. Đừng nhìn vào hạnh phúc của người khác mà đánh giá cuộc sống của mình. Cứ chăm chỉ tích lũy làm ăn, trước sau gì mùa Xuân trọn vẹn cũng sẽ đến thôi mà.
Tham khảo: https://baodautu.vn/batdongsan/an-cu-truoc-hay-lac-nghiep-truoc-d138264.html