Ôm mộng’ giàu nhanh từ đất rừng sản xuất, nhà đầu tư cẩn thận mắc kẹt
Tiếp tục nắm bắt xu hướng “bỏ phố về rừng” nhiều cuộc mua bán đất rừng sản xuất đã diễn ra gây náo loạn thị trường, thậm chí nhiều nhà đầu tư đã mắc kẹt khi rót vốn vào loại sản phẩm này.
Nội dung chính trong bài
Đất rừng sản xuất rao bán rầm rộ
Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, phóng viên đã theo chân một số nhà đầu tư đi tìm đất làm trang trại, nhà vườn tại Bà Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn. Một môi giới dẫn đoàn tới khu vực Đồng Đò, Sóc Sơn cho hay, đất khu vực này có vị trí đẹp, phù hợp làm homestay hoặc khu sinh thái, nghỉ dưỡng. Giá loại đất này đắt nhất, từ 7 – 8 triệu đồng/m2.
Cụ thể, môi giới Lâm chia sẻ, đất rừng sản xuất tại khu Đồng đò được nhiều người dân rao bán. Đơn cử như một khoảnh rừng hơn 2ha đang được rao bán với 7 tỷ đồng, tương ứng giá hơn 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đất khu vực này chỉ được làm các công trình tạm, không được phép xây kiên cố.
Theo môi giới, đất rừng trước đây rẻ nhưng khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, ăn theo các cơn sốt đất vùng ven, đất rừng cũng tăng giá theo từng vị trí, từng khu vực, có những mảnh rừng giá trị tăng 4 – 5 lần. Đây là những mảnh đất chính quyền địa phương giao cho người dân trông coi, trồng rừng. Theo đó, nhà đầu tư mua về với thời hạn 30 năm và chỉ được xây các công trình nhà tạm hoặc làm homestay.
Môi giới tiếp tục dẫn đoàn tới khu vực Chương Mỹ xem mảnh vườn 3.000m2 trong đó chỉ có 300m2 đất xây dựng kèm 2ha đất rừng sản xuất đang được chủ đất chào giá hơn 9 tỷ đồng. Được biết, đây là mảnh đất có giá rẻ nhất tại khu vực này.
Theo khảo sát của PV Dân Việt, việc rao bán đất rừng trên một số trang thông tin nhà đất cũng hết sức sôi động. Tìm hiểu theo những người rao bán, phóng viên đều được chia sẻ các thông tin rằng giá đất rừng hiện nay khá rẻ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất thổ cư, chỉ vài chục ngàn m2 thôi cũng có thể kiếm được giá trị lớn. Nhưng có lẽ mọi chuyện không đơn giản và dễ ăn như vậy.
Chia sẻ với phóng viên, chị Ngô Thúy An (Từ Liêm, Hà Nội) người đang mắc kẹt tại mảnh đất rừng hơn 2ha tại Minh Phú (Sóc Sơn) cho biết, giữa năm 2019 chị cùng vài người bạn tới khu vực này để mua đất làm homestay. Nhân viên môi giới nói loại đất rừng không sổ đỏ với giá bán từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng/m2 đang được nhiều người ưa chuộng và săn tìm nhất. Đây là loại đất được người dân rao bán công khai, bởi nhà đầu tư mua về và vẫn có trách nhiệm trông coi rừng, không xây dựng công trình to lớn, kiên cố. Đặc biệt, rất nhiều người làm homestay và không bị phạt.
“Đúng là thấy giá rất rẻ và những lời môi giới nói có lý nên tôi mua mảnh rừng chưa đầy 6 tỷ. Tuy nhiên, sau khi mua bán xong xuôi, lúc bắt tay chuẩn bị làm homestay, tôi và bạn bè tá hỏa khi xin phép cải tạo con đường đất bằng phẳng, cùng xây dựng một căn nhà 100m2 trên mảnh rừng là rất khó, cộng với cả tốn kém chi phí. Cuối cùng kế hoạch làm dự án chậm lại, đến lúc làm xong thì dịch bệnh ập đến, homestay cũng đóng cửa, thanh khoản cũng khó khăn.
Thị trường rủi ro không bền vững
Việc rao bán đất rừng trái phép đã được ghi nhận tại rất nhiều địa phương không riêng vùng ven Hà Nội. Đơn cử như, đầu năm 2021, UBND xã Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị) bất ngờ xẻ 3 trong số 5ha diện tích đất rừng này thành 123 lô đất, mỗi lô có diện tích từ 270 – 300m2 để bán cho người dân. Số diện tích này kéo dài hơn 1km mặt tiền tỉnh lộ 579.
Điều đáng nói, sự việc nhanh chóng “vỡ lở” khi trong quá trình làm thủ tục để người dân đăng kí nhận đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND xã Triệu Ái bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị “túy còi” vì tổng diện tích đất này là đất rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa có phương án trồng rừng thay thế.
Tương tự, tại TP.Đà Lạt, Bảo Lộc và nhiều địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng ồ ạt xuất hiện tình trạng phân lô, xẻ nền đất nông nghiệp, đất rừng gây biến dạng cảnh quan, tạo điểm nóng bất ổn kinh tế – xã hội.
Trước các vấn đề nóng gây nhiều hệ lụy này, giữa tháng 6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát và báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua, khi xảy ra một số cơn sốt đất, ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn… Nhiều môi giới, thậm chí là người dân đã tự phát rao bán đất rừng, đất vườn có sổ đỏ hoặc không sổ đỏ. Nhiều mảnh đất rừng ăn theo sốt đất cũng tăng giá để bẫy những nhà đầu tư non kinh nghiệm. Theo ông Đính, việc rao bán đất rừng tràn lan dẫn đến rất nhiều các hệ lụy như sốt đất ảo, xây dựng trái phép, lừa đảo người dân khiến thị trường phát triển thiếu bền vững.
“Nếu người dân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch mà chưa được phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì Nhà nước cần phải xử lý kịp thời. Tránh hệ lụy mất đất rừng, xẻ núi như những bài học đã diễn ra trước đó”, ông Đính cho hay.
PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, thị trường bất động sản gần đây đã xuất hiện một số mô hình bất động sản kiểu mới. Môi hình này xây dựng từ việc phân lô, bán (cho thuê) đất rừng kèm những cam kết về chuyển đổi rừng sang đất ở (ra sổ đỏ) cũng như lợi nhuận gia tăng giá trị khi công trình đầu tư chỉ tạm bợ, ít chi phí. Thực tế các loại sản phẩm mới này đều chưa có tính pháp lý rõ ràng, kinh doanh lâu dài thiếu ổn định và khó quản lý.
“Hiện tượng “xẻ rừng già xây biệt thự”, rao bán đất rừng làm khu du lịch nghỉ dưỡng,…. và những vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra nhiều hơn nữa trong thực tế, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước và sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới “, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.
Tham khảo: https://cafeland.vn/tin-tuc/om-mong-giau-nhanh-tu-dat-rung-san-xuat-nha-dau-tu-can-than-mac-ket-101600.html